Phaùt boà ñeà taâm
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

adida.edu.vn

VÌ TẠI GIA ĐỆ TỬ LƯỢC NÓI TAM QUY NGŨ GIỚI, THẬP THIỆN

VÌ TẠI GIA ĐỆ TỬ LƯỢC NÓI

TAM QUY NGŨ GIỚI, THẬP THIỆN

Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang
 

Buồn thay chúng sanh từ vô thủy đến nay luân hồi lục đạo, lưu chuyển tứ sanh, không được cứu giúp, không nơi quay về, không chỗ nương nhờ. Như con côi mất cha, như người cùng quẫn tan cửa nát nhà. Đều là do phiền não ác nghiệp, cảm lấy khổ quả sanh tử này.

Đui mù không có con mắt huệ, chẳng thể tự thoát. Đức Đại Giác Thế Tôn thương xót, thị hiện sanh trong thế gian vì chúng sanh thuyết pháp, dạy thọ lãnh Tam Quy làm cái gốc để đổi tà về chánh, dạy trì ngũ giới để làm nguồn đoạn ác tu thiện, dạy hành thập thiện để làm cái gốc thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý. Từ đây, không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện.

Ba nghiệp đã tịnh thì sau đấy mới có thể tuân tu đạo phẩm hòng trái trần hiệp giác, chuyển phàm thành Thánh, đoạn cội rễ tham sân si phiền não, thành đại đạo giới định huệ bồ đề.

Vì thế, Đức Phật nói ra pháp tứ đế, thập nhị nhân duyên, lục độ, ba mươi bảy phẩm trợ đạo v.v… vô lượng pháp môn. Lại muốn cho chúng sanh mau thoát sanh tử, chóng thành Phật đạo, nên bèn nói pháp môn niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, khiến họ chẳng mất nhiều sức lực lại được thành tựu ngay trong đời này.

Ôi! Ân Thế Tôn có thể nói là cùng cực. Dẫu Thiên Địa phụ mẫu cũng chẳng đủ để sánh ví. Bất Huệ thọ ân rất sâu, không cách nào báo đền.

Nay các ông nghe lầm lời người, chẳng nề hà cách xa mấy ngàn dặm đến đây, muốn thờ tôi làm thầy. Nhưng tôi tự xét mình vô đức, đôi ba lượt khước từ, các ông vẫn chẳng nghe theo.

Nay bất đắc dĩ đem ý nghĩa Đức Như Lai xuất thế thuyết pháp độ sanh thuật đại lược cùng các ông, cũng như đem tam quy, ngũ giới, thập thiện và pháp môn Tịnh Độ giải thích đại lược ý nghĩa, khiến cho các ông có cái để học theo, có cái để tuân thủ. Tứ Đế cho đến Ba mươi bảy phẩm trợ đạo không phải là những pháp mà trí lực các ông có thể biết được.

Vì thế, lược đi không viết. Nếu các ông y giáo phụng hành thì đấy chính là tôn Phật làm thầy, huống gì Bất Huệ.

Nếu chẳng y giáo phụng hành thì ân Bất Huệ còn phụ bạc, huống chi ân Phật?

1. Tam Quy, chữ Quy còn viết là Quy.

Quy là trở về với cái trong trắng, theo ý nghĩa chuyển nhiễm thành tịnh vậy: Một là quy y Phật, hai là quy y Pháp, ba là quy y Tăng. Quy là gieo vào, trở về, Y là nương gởi. Như người té xuống biển, chợt có thuyền đi tới bèn lội đến bên thuyền. Đấy là ý nghĩa của chữ quay về, gieo vào.

Lên thuyền ngồi yên là nghĩa nương nhờ. Sanh tử là biển, Tam Bảo là thuyền. Chúng sanh quy y liền lên bờ kia. Ðã quy y Phật, thờ Phật làm thầy thì từ hôm nay trở đi cho đến lúc mạng chung, chẳng được quy y Thiên Ma, ngoại đạo, tà quỷ, tà thần.

Ðã quy y Pháp, lấy pháp làm thầy thì từ nay trở đi cho đến lúc mạng chung, chẳng được quy y điển tịch của ngoại đạo pháp chính là Kinh Phật và các pháp môn tu hành. Điển tịch chính là Kinh Sách vậy. Ðã quy y Tăng, thờ Tăng làm thầy thì từ hôm nay trở đi cho đến lúc mạng chung, chẳng được quy y đồ chúng ngoại đạo.

2. Ngũ giới: Một là chẳng sát sanh. Hai là chẳng trộm cắp. Ba là chẳng tà dâm. Bốn là chẳng nói dối. Năm là chẳng uống rượu.

Loài vật cũng như ta ham sống sợ chết. Ta đã ham sống thì lẽ nào loài vật lại muốn chết hay sao?

Cứ theo đó mà suy thì có nên giết hại sanh mạng hay chăng?

Hết thảy chúng sanh luân hồi trong sáu nẻo, tùy theo nghiệp lành, dữ sẽ bị thăng lên, giáng xuống, vượt lên hay chìm xuống. Trong nhiều kiếp, ta cùng với chúng thay phiên làm cha mẹ, con cái.

Phải nên nghĩ cách cứu vớt, lẽ nào nỡ giết hại?

Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, đều sẽ thành Phật trong đời vị lai. Nếu ta đọa lạc thì còn mong được họ cứu giúp. Hơn nữa, đã tạo nghiệp sát ắt sẽ đọa ác đạo, đền trả nợ cũ, giết hại lẫn nhau chẳng biết bao giờ mới thôi.

Lấy đó mà suy, sao dám giết hại?

Nguyên do của sát sanh là vì ăn thịt. Nếu đã biết nhân duyên như trên vừa nói sẽ tự chẳng dám ăn thịt nữa.

Kẻ ngu còn cho thịt là ngon, chẳng hề biết thịt vốn do tinh huyết tạo thành, trong chứa đầy phẩn, tiểu, ngoài lẫn chất dơ, tanh tưởi, hôi bẩn, ngon ở chỗ nào?

Thường nên quán bất tịnh thì ăn vào ắt sẽ phát ọe. Thêm nữa, chúng sanh gồm có con người, cầm thú, giòi tửa, cá, tôm, muỗi mòng, rận, rệp. Hễ có sanh mạng thì đều là chúng sanh. Chẳng thể bảo hễ con vật lớn thì chẳng nên giết, con vật nhỏ thì giết được.

Kinh Phật đã dạy tường tận về lợi ích công đức của việc tránh sát sanh và phóng sanh. Người đời không đọc được những Kinh ấy thì nên xem tác phẩm Vạn Thiện Tiên Tư của An Sĩ Tiên Sinh, ắt sẽ biết được đại khái.

Chẳng trộm cắp: Thấy giới này liền nghĩ được nghĩa, nếu chẳng cho thì chẳng lấy. Chuyện này người biết liêm sỉ bèn có thể không phạm.

Như bàn tỉ mỉ thì nếu ai chẳng phải là bậc Đại Thánh, Đại Hiền đều khó khỏi không phạm. Dùng của công vào việc tư, tổn người lợi mình, cậy thế đoạt của, dùng mưu đoạt vật, ganh tị sự phú quý của người khác, mong cho người khác nghèo hèn, phô trương làm lành để lấy tiếng, gặp các việc lành tâm không sốt sắng.

Hoặc như khi lập nghĩa học, trường học làm nghĩa, không thâu học phí lại chẳng chọn thầy nghiêm khiến cho con em người khác bị lầm lạc. Hoặc khi thí thuốc men, chẳng xét thật giả khiến người ta bị hại mạng.

Phàm thấy nạn gấp mặc kệ chẳng cứu ngay. Lề mề, hời hợt, thờ ơ đến nỗi làm hỏng việc, chỉ làm tắc trách cho xong việc, lãng phí tiền tài người khác, trong lòng chẳng coi là khẩn yếu. Những điều như thế đều gọi là trộm cắp vậy. Do các ông đang sống trong thiện đường nên trích ra những điều tốt lành hay tệ hại để nói đại lược vậy.

Chẳng tà dâm: Người đời nam nữ lập gia đình sanh con đẻ cái thì trên là vì phong hóa, dưới là để có người thờ phụng Tổ Tiên. Vợ chồng hành dâm không phạm vào điều cấm.

Nhưng phải nên kính nhau như khách, chỉ cốt tiếp nối giòng giống để có người thờ cúng Tổ Tiên, chẳng nên vì khoái lạc mà chạy theo lòng dục đến nỗi mất mạng. Tuy là vợ mình nhưng nếu tham lạc quá thì cũng là phạm giới. Nhưng tội ấy vẫn còn nhẹ, nhỏ. Nếu chung chạ bừa bãi với người chẳng phải là vợ mình thì gọi là tà dâm.

Tội ấy rất nặng. Hành tà dâm là đem cái thân người làm chuyện súc sanh. Khi báo hết mạng dứt, trước sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, sau sanh trong súc sanh đạo ngàn vạn ức kiếp chẳng thể xuất ly. Hết thảy chúng sanh đều do dâm dục sanh ra cho nên giới này khó giữ dễ phạm. Ngay cả Bậc Hiền đạt có lúc còn vấp ngã, huống là kẻ ngu.

Nếu lập chí tu trì thì trước hết phải hiểu rõ lợi hại và phương pháp đối trị: Như thấy rắn độc, như gặp oán tặc, sợ hãi e dè thì dục tâm tự tắt. Phương pháp đối trị đã được ghi nhiều trong Kinh Phật. Nếu người đời chẳng có duyên xem đến thì nên xem cuốn Dục Hải Hồi Cuồng của An Sĩ Tiên Sinh, ắt sẽ biết được đại khái.

Lợi: Cái lợi do chẳng phạm, hại là họa hại do phạm giới này vậy.

Chẳng nói dối: Tức là lời nói đáng tin, chẳng thốt ra lời dối trá. Nếu thấy nói chẳng thấy, chẳng thấy bảo thấy, lấy dối làm thật, có nói là không v.v… phàm khi tâm và miệng chẳng tương ứng, muốn dối gạt người thì đều là nói dối cả.

Nếu lại có kẻ chưa đoạn hoặc mà bảo là đã đoạn hoặc. Tự chưa đắc đạo bảo là đắc đạo thì gọi là đại vọng ngữ. Tội ấy rất nặng, sau khi mạng chung quyết định đọa thẳng vào A tỳ địa ngục, trọn chẳng có kỳ ra. Hiện nay, có nhan nhãn những kẻ tu hành nhưng chẳng hề biết đến giáo lý Phật Pháp cho nên phải thống thiết răn đe. Rất quan trọng vậy.

Bốn điều trên đây chẳng luận là xuất gia hay tại gia, đã thọ giới hay chưa thọ giới, hễ phạm phải đều có tội lỗi vì thể tánh của những sự ấy là ác. Người chẳng thọ giới tội lỗi một tầng.

Người đã thọ giới tội nặng gấp đôi: Ngoài tội làm điều ác còn thêm tội phạm giới. Nếu trì mà chẳng phạm thì công đức vô lượng vô biên.

Vì vậy, cần phải gắng công giữ giới!

Chẳng uống rượu: Là vì rượu có thể làm mê loạn lòng người, hư hoại hạt giống trí huệ. Uống vào khiến người điên đảo, hôn cuồng, làm điều xằng bậy nên Phật chế giới cấm hẳn.

Phàm người tu hành đều chẳng được uống. Thêm nữa, đối với các thứ hành, hẹ, giới nén đọc là giới, là một loại tỏi nhỏ, tỏi… năm thứ hăng nồng ngũ huân, mùi vị hôi hám, thể chất chẳng thanh khiết. Ngũ huân hễ ăn chín thì phát sanh lòng dâm, ăn sống thì thêm nóng giận. Phàm là kẻ tu hành đều chẳng được ăn.

Tuy nhiên, đối với người chưa thọ giới này thì uống rượu, ăn ngũ huân đều chẳng bị tội. Còn nếu đã thọ giới rồi còn uống rượu, còn ăn ngũ tân thì mắc một tầng lỗi, tức là tội phạm Phật Giới.

Phật đã cấm ngăn mà các ông lại phạm nên có tội Ngũ huân: Tây Vực có đủ năm thứ, ở đây Trung Hoa chỉ có bốn loại.

3. Thập thiện: Một là chẳng sát sanh, hai là chẳng trộm cắp, ba là chẳng tà dâm, bốn là chẳng nói dối, năm là chẳng nói thêu dệt, sáu là chẳng nói đôi chiều, bảy là chẳng ác khẩu, tám là chẳng keo tham, chín là chẳng nóng giận, mười là chẳng tà kiến.

Trong những giới này, ba giới đầu tiên là thân nghiệp. Bốn giới giữa là khẩu nghiệp. Ba giới sau cùng thuộc về ý nghiệp. Nghiệp là sự. Nếu giữ gìn chẳng phạm thì gọi là Thập thiện. Nếu vi phạm chẳng giữ được thì gọi là thập ác. Thập ác chia ra làm thượng, trung, hạ.

Sẽ cảm thân trong ba ác đạo: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Thập Thiện cũng chia ra làm thượng, trung, hạ, được thân trong ba đường lành: Trời, người, A tu la. Nhân lành cảm quả lành, nhân ác cảm quả ác, quyết định không nghi, tơ hào chẳng lầm. Những điều giết, trộm, dâm, nói dối đã giảng trong phần nói về ngũ giới.

Nói thêu dệt là nói lời vô ích, phù phiếm, bóng bảy, đẹp đẽ, bàn soạn chuyện dâm dục khiến người ta nghĩ bậy v.v… nói đôi chiều là đến người kia nói chuyện người này, hướng đến người này nói chuyện kẻ kia. Khêu gợi thị phi, đòn xóc hai đầu. Ác khẩu là ngôn ngữ thô ác như đao, như kiếm, phơi bày những điều xấu người ta muốn giấu, chẳng biết kiêng dè.

Nếu lại còn mạo phạm đến cha mẹ người thì gọi là đại ác khẩu. Tương lai sẽ mắc quả báo súc sanh. Ðã thọ Phật Giới thì nên cẩn thận chớ phạm. Keo tham xan tham là chẳng chịu thí của cải của chính mình cho người thì gọi là keo. Ðối với của cải của người ta chỉ muốn đoạt về mình thì gọi là tham.

Nóng giận là phẫn hận, giận dữ: Thấy người đạt được điều gì thì lo buồn, phẫn nộ. Thấy người bị mất mát, lòng khoan khoái sung sướng. Nóng giận cũng có nghĩa là cậy thế lực, buông lung tâm tánh, khinh rẻ cả người lẫn vật.

Tà kiến: Chẳng tin làm lành được phước, làm ác mắc tội. Nói là không có nhân quả, chẳng có đời sau. Khinh miệt lời của Hiền Thánh, hủy Kinh Giáo của Phật. Thập Thiện này bao gồm hết thảy mọi sự. Nếu có thể tuân hành thập thiện thì không ác chi chẳng dứt được, không điều lành chi chẳng tu.

Tôi sợ kẻ sơ tâm chẳng thể hiểu rõ nên nay nêu đại lược một hai việc: Một là nên hiếu thuận phụ mẫu, chẳng trái, chẳng nghịch, mềm mỏng, uyển chuyển, khuyên cho cha mẹ nhập đạo, bỏ mặn, ăn chay, trì giới, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương liễu thoát sanh tử. Nếu cha mẹ tin nhận thì không điều lành nào lớn hơn nữa.

Nếu như cha mẹ nhất quyết chẳng làm theo thì cũng chớ ép buộc vì sẽ mất đạo hiếu. Chỉ nên đối trước Phật thay cha mẹ sám hối tội lỗi. Đó mới là điều nên làm.

Với anh em bèn hết dạ. Với vợ chồng thì tận kính. Với con cái thì cực lực giáo huấn khiến cho chúng tốt lành. Cẩn thận chớ mặc tình kiêu hãnh quen thói đến nỗi thành phường trộm cướp.

Ðối với xóm giềng làng nước nên hòa mục, nhún nhường. Vì họ nói nhân quả, thiện ác khiến họ đổi ác, hướng lành. Ðối với bằng hữu thì tận tín. Với tôi tớ thì từ ái. Ðối với việc công cũng tận tâm hết sức như làm việc tư. Hễ thấy người thân, kẻ quen biết thì gặp cha bèn nói về lòng từ. Gặp con liền nói về hiếu.

Về làm ăn tuy là bỏ vốn kiếm lời, cũng chẳng nên dùng đồ giả, gạt gẫm người khác. Nếu phong hóa này được thạnh hành ở một làng, một ấp sẽ tiêu được cái họa loạn khi chưa chớm, đến nỗi hình phạt thành ra vô dụng thì có thể nói là ngoài nội tận trung, sống ở nhà mà tham dự quyền cai trị vậy.

***