Phaùt boà ñeà taâm
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

adida.edu.vn

TÂM BÌNH THÌ NHỌC GÌ TRÌ GIỚI

TÂM BÌNH THÌ NHỌC GÌ TRÌ GIỚI

Giảng giải: Hòa Thượng Hư Vân
 

Đạo của ông Khổng Tử không ngoài trung dung. Bàn về lý thuyết thì không thiên chấp tức là trung. Không biến đổi tức là dung. Bàn về sự thì trung tức là trung đạo.

Việc gì cũng không thái quá hay không thiếu thốn. Dung tức là dung thường, xa rời tất cả quái lực loạn thần, thuận theo bổn phận làm người, chẳng làm điều kỳ lạ. Phật Pháp cũng như thế.

Chúng ta phải vận dụng tâm bình thường chân thật mà xem xét thì mới thấy chân tâm thân thiết. Nhờ làm việc bình thường chân thật mà thấy được chân tâm thân thiết, nên mới có ít phần tương ưng, khiến không phạm tội nói khoác.

Pháp của tâm bình thường chân thật, không khác mười điều thiện, tức trì giới không tham lam, sân hận, si mê, giết hại, ăn cắp, tà dâm, ỷ ngữ, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Mười việc thiện này, lão tăng đã từng đàm luận rồi. Nếu có thể hành trì thật tiễn thì đó là nền tảng căn bản của việc tu hành thành Phật Tổ, cũng khiến cho Thế giới thái bình, tạo nên nhân gian Tịnh Độ.

Lục Tổ bảo: Tâm bình thì nhọc gì trì giới. Đó là nói về bậc thượng căn lợi trí. Các Ngài nghe một lời đạo pháp thì hạnh giải đều tương ưng, như với vượt sông theo dòng mà qua đến bờ kia. Tướng thiện lành còn không có, hà huống có tướng ác. Đối với người trung căn và hạ căn, họ thường bị gió chuyển. Hai chữ tâm bình, đàm luận thì dễ.

Gió có tám loại: Lợi ích, suy đồi, hủy hoại, khen ngợi, tán thán, chửi mắng, khổ nhọc, an lạc. Phàm phu gặp gió lợi lạc thì sanh tâm tham trước. Gặp gió sầu thảm thì sanh tâm bi lụy khổ sở. Gặp gió hủy báng thì sanh tâm sân hận.

Gặp gió khen ngợi thì sanh tâm vui thích. Gặp gió tán thán thì tâm trụ không nghi. Gặp gió quở trách thì sanh tâm xấu hổ, khiến trở thành hờn oán. Gặp gió khổ đau thì tâm đầy bi thương. Gặp gió an lạc thì liên tục chạy theo vọng tưởng. Tám gió khởi lên, tâm liền theo đó mà chuyển.

Lúc sanh lúc chết, làm sao đối kháng được?

Phải đi từng bước, tức từ sự tướng mà nhận thức thể tánh. Khi khởi tâm động niệm, luôn tu hành mười điều lành. Sự tướng tuy là cành lá, nhưng phải nhiếp thọ cành lá trở về cội gốc, thì mới mau đạt đạo Bồ Đề. Lại nữa, Phật Giáo lược khai có mười tông và hơn bốn mươi phái mà bốn tông như Thiền, Tịnh, Luật, Mật nhiếp căn cơ chúng sanh rất rộng rãi.

Quý vị thiện tri thức. Cảnh giới của Chư Phật như vương đô, mà các tông phái như những đại lộ. Dẫu đại lộ nào cũng dẫn về vương đô. Chúng sanh phân tán khắp bốn phương, do điểm xuất phát không đồng, nhưng khi đến nơi Vua trú thì đồng một dạng giao cảm.

Kinh Kim Cang nói: Pháp này bình đẳng, không có cao thấp. Tuy nhiên, nếu hôm nay đi đại lộ này, rồi ngày mai lại chạy qua đại lộ khác, cứ chạy qua đường này lộ nọ, nên cuối cùng chẳng đi đến đâu.

Lục Tổ bảo: Rời đạo mà tìm đạo, thì cả đời chẳng thấy đạo. Lang thang suốt cuộc đời, chẳng đạt được gì, phải nên tự trách. Thật là lời răn nhắc thâm sâu. Vì vậy, chúng ta phải thâm nhập vào một pháp môn mà không để phân tâm, hay thối chuyển. Như chuột gặm quan tài, phải từ một nơi mà dụng công thì hồi lâu sẽ đục thủng. Nếu muốn thông đạt hết các tông, phải nên nhận ra chủ bạn.

Người hành Thiền Tông, phải nên lấy pháp môn của Thiền Tông làm chủ chính, còn giáo lý của những tông khác, phải xem là bạn phụ. Người hành Tông Tịnh Độ, phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chủ, và xem giáo lý của các Tông khác là bạn. Luật Tông và Mật Tông cũng như thế, thì mới tránh việc Hàn Lô tranh khoảnh đất bùn.

Đối với giới luật trong Nhà Phật, các tông phái đều phải nghiêm trì. Biết chủ bạn như đi trên đường biết phương hướng. Trì giới luật như đi trên đường có lương thực. Yếu chỉ của các tông phái tuy không đồng, nhưng lên đến đảnh thì cùng một dạng.

Thế nên bảo: Trở về nguồn tánh không hai, nhưng phương tiện thì lại có nhiều môn. Hôm nay, trong chúng hội đều là những bậc thượng thiện nhân, cùng Phật có phần. Hư Vân tôi nói nhiều lời, bất quá chỉ như vạch hư không mà thôi.

***