Phaùt boà ñeà taâm
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

adida.edu.vn

CHẲNG SÁT SANH LÀ NHÂN, NHÂN ÁI

CHẲNG SÁT SANH LÀ NHÂN, NHÂN ÁI

Giảng giải: Hòa Thượng Tịnh Không
 

Học thuật không bằng người, đó là chuyện thứ yếu, quan trọng nhất là đức hạnh. Dẫu nghèo hèn đến mấy, nhưng có đức, có đạo, vẫn được người trong xã hội tôn kính, ngay cả người đời sau cũng thường nhắc tới, sanh lòng tôn kính sâu xa.

Chúng ta hãy nghĩ xem, Khổng Tử, Nhan Hồi, hai ngàn năm trăm năm sau, khi nghe nhắc tới danh hiệu của họ, người trong thế gian vẫn sanh lòng kính ngưỡng. Thuở sinh tiền, họ nghèo túng, cũng chẳng có địa vị gì trong xã hội, có thể gọi là kẻ nghèo hèn, nhưng họ có đạo đức, đấy là điều trọng yếu.

Bốn chữ sau cùng là nhân, ái, hòa, bình, nhân là thôi kỷ cập nhân suy từ mình mà nghĩ đến người khác, nghĩ đến chính mình bèn nghĩ thay cho người khác. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Điều gì chính mình không muốn, chớ gây cho người khác. Người có lòng nhân yêu thương con người.

Yêu thương con người bèn chẳng hại người. Cuối cùng là hòa bình, xử sự hòa thuận, đối đãi bình đẳng. Quý vị thấy Tổ tiên chỉ dạy chúng ta mười hai chữ. Làm được mười hai chữ ấy, thiên hạ thái bình, xã hội hòa hài, đời người hạnh phúc mỹ mãn là do mười hai chữ ấy. Mười hai chữ ấy là tánh đức, là tiêu chuẩn do Tổ tiên ban cho chúng ta.

Trong Phật Pháp, Đức Phật dạy chúng ta Thập Thiện Nghiệp Đạo, có ý nghĩa rất gần gũi với mười hai chữ của Tổ tiên Trung Quốc. Chẳng sát sanh là nhân, nhân ái. Không chỉ chẳng thể giết người, mà đối với tất cả hết thảy động vật đều phải yêu thương. Người đời thượng cổ ăn thịt.

Quý vị thấy trong lịch sử Trung Quốc, được ghi chép sớm nhất là Phục Hy Thị, Phục là hàng phục, Hy là gì?

Dã thú.

Thời cổ, thứ gì cũng chẳng có, làm thế nào để duy trì cuộc sống?

Săn bắn. Người và thú đấu tranh. Năm trăm năm sau, Thần Nông Thị xuất hiện, đề xướng trồng trọt. Do vậy, Trung Quốc mấy ngàn năm qua do nghề nông mà lập quốc, nên nông dân có địa vị rất cao.

Xưa kia, xã hội Trung Quốc gồm bốn giai cấp là sĩ, nông, công, thương, địa vị cao nhất trong xã hội là người đọc sách. Người đọc sách có sự tu dưỡng đạo đức, có trí huệ của Cổ Thánh Tiên Hiền.

Vì vậy, thời cổ có một câu nói như thế này: Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao. Muôn loài đều thấp kém, riêng người đọc sách cao nhằm cổ vũ, khích lệ con người hãy hiếu học, học theo Thánh Hiền. Độc thư chí tại Thánh Hiền Đọc sách với ý muốn kế tục Thánh Hiền, chẳng phải là nói ta học hành nhằm mai sau đạt được công danh, phú quý, chẳng phải vậy.

Không nhằm mục tiêu đó, mà mục tiêu đặt nơi Thánh Hiền, học theo Thánh Nhân, học theo Hiền Nhân. Gương mẫu, mô phạm Thánh Hiền là Khổng Tử, Mạnh Tử, lấy các Ngài làm đại biểu.

Hai vị này suốt đời làm thầy, nhưng Thích Ca Mâu Ni Phật thực hiện viên mãn nhất, chúng ta phải nhận biết điều này: Thích Ca Mâu Ni Phật chẳng phải là thần, mà cũng chẳng phải là tiên, Ngài là người, chúng ta phải nhận biết Ngài rõ ràng.

Ngài mang thân phận gì?

Chức nghiệp là thầy.

Quý vị nhìn vào tám tướng thành đạo của Ngài bèn hiểu: Sau khi khai ngộ, Đức Phật suốt đời giáo học.

Ba mươi tuổi khai ngộ bèn bắt đầu giáo học, bảy mươi chín tuổi viên tịch, Kinh thường chép: Giảng Kinh hơn ba trăm hội, thuyết pháp bốn mươi chín năm. Cả đời Ngài dạy học bốn mươi chín năm, mang chức nghiệp giáo sư.

Lại còn chẳng nhận học phí, chẳng lấy đồng nào, lòng dạ rộng lớn. Học trò chẳng phân biệt quốc gia, sắc tộc, chẳng phân biệt tín ngưỡng, người đến chẳng cự tuyệt, kẻ đi chẳng cầm giữ.

***