Phaùt boà ñeà taâm
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

adida.edu.vn

AN SĨ TOÀN THƯ * KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC - TẬP MỘT TRĂM LẺ NĂM - HIỂU BIẾT PHÂN BIỆT VỀ THAI NHI

AN SĨ TOÀN THƯ

KHUYÊN NGƯỜI BỎ SỰ THAM DỤC

Tác giả: Chu An Sĩ
 

TẬP MỘT TRĂM LẺ NĂM

HIỂU BIẾT PHÂN BIỆT VỀ THAI NHI
 

Hỏi: Khi đôi bên nam nữ chưa gặp nhau, hoàn toàn không có sự sinh sản. Một khi có sự hòa hợp rồi liền có con.

Xin hỏi, thần thức đến đầu thai đó là mỗi ngày đều ở bên cha mẹ, chờ lúc nhập thai, hay chỉ là ngẫu nhiên bắt gặp rồi nhập thai?

Đáp: Về nghiệp báo, nhân duyên của chúng sinh thật không thể nghĩ bàn. Nếu là nghiệp duyên đưa đẩy phải làm con của những người ấy, thì tuy thần thức đang ở cách xa cả ngàn Thế giới, vào lúc cha mẹ hòa hợp nhau, thần thức từ xa liền thấy có ánh sáng, chỉ trong chớp mắt liền nương theo ánh sáng đó mà nhập thai, dù các vị Đế Thích, Phạm Vương cũng không thể ngăn cản được, dù có núi Tu Di, núi Thiết Vi ở giữa cũng không gây trở ngại được.

Hỏi: Người thế gian chỉ cần cách một bức tường đã không thấy không nghe, nay ở cách xa ngàn dặm thật khó có thể trong chớp mắt đã tìm đến.

Huống chi cách xa đến ngàn vạn cõi nước, sao có thể tìm đến mà không gặp chướng ngại?

Đáp: Con người sở dĩ gặp chướng ngại đều là do nơi hình thể, không phải do ở thần thức. Diên Lăng Quý Tử có nói: Xương thịt con người rồi phải trở về cát bụi, đó là mệnh Trời, nhưng phần hồn khí thì không phải vậy.

Ví như trong giấc mộng thấy mình đang ở cách xa đến ngàn vạn dặm, bỗng giật mình tỉnh dậy thì thấy đang nằm trên giường, cho dù có tường vách ngăn cách cũng vẫn như vậy, cũng không do khoảng cách xa gần mà có sự nhanh hay chậm.

Thần thức đầu thai nào có khác gì việc ấy?

Hỏi: Ở đời có những cặp vợ chồng ngày nào cũng sống bên nhau nhưng rốt cùng lại không có con cái.

Đó là do không có thần thức đến đầu thai, hay là do số mạng người ấy không có con?

Đáp: Không có thần thức đến nhập thai, đó cũng chính là số mạng không con. Số mạng không có con thì tự nhiên không có thần thức nào đến nhập thai.

Như trong Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói: Nếu như vợ chồng gần gũi nhau mà thần thức chưa đến nhập thai, hoặc thần thức tìm đến nhưng gặp lúc vợ chồng không gần gũi, thì không thể thành thai.

Nếu người vợ không có dục tình, người chồng nhiều tham dục, hoặc người chồng không có dục tình, người vợ nhiều tham muốn, cũng không xảy ra việc thụ thai. Nếu người chồng khỏe mạnh nhưng người vợ có bệnh, hoặc người vợ khỏe mạnh nhưng người chồng có bệnh, cũng không có việc thụ thai.

Sách Pháp Uyển Châu Lâm nói: Nếu cha mẹ có phước đức sâu dày, thần thức có phước đức mỏng thì không thể nhập thai. Nếu cha mẹ có phước đức mỏng, thần thức phước đức sâu dày cũng không thể nhập thai. Phước đức của cha, mẹ và thần thức đều phải tương đương thích hợp với nhau thì mới có thể nhập thai.

Hỏi: Những cặp dan díu bất chính với nhau rồi có thai, trong hàng ngàn trường hợp chưa sống được một, ắt là do số mạng thai nhi ấy không thể làm con của họ. Số mạng đã không thể làm con thì lẽ ra không đầu thai.

Nay đã đầu thai rồi lại bị giết chết là vì sao?

Đáp: Những trường hợp ấy thường đều là vì trả nợ đời trước. Đứa con vì trả nợ đời trước mà mất mạng, cha mẹ vì trả nợ đời trước mà chịu mang tiếng xấu.

Hỏi: Con trai nhà giàu sang cưới con gái nhà nghèo hèn, hoặc con gái nhà giàu sang cưới con trai nhà nghèo hèn, như vậy phước đức của cha, mẹ và con hết sức bất đồng, sao vẫn có thể có thai?

Đáp: Đứa con sinh vào nhà ấy, có thể là do đời trước tu phúc có chỗ khiếm khuyết, hoặc nghiệp duyên chỉ có được người cha giàu sang, hoặc chỉ có được người mẹ giàu sang, hoặc đôi vợ chồng ấy có nghiệp duyên sinh được quý tử phúc lớn, hoặc đứa con có nghiệp duyên gặp cha mẹ giàu sang. Do những nhân duyên khác nhau như thế mà cũng có thể thụ thai.

Như trong Kinh A Hàm Khẩu Giải Thập Nhị Nhân Duyên có dạy: Đứa con sinh ra có một trong ba nhân duyên. Một là cha mẹ đời trước mắc nợ đứa con, hai là đứa con đời trước mắc nợ cha mẹ, ba là kẻ oán cừu đời trước nay sinh làm con để trả thù.

Hỏi: Thần thức đến thác sinh, hoặc vào nhà giàu sang, hoặc vào nhà nghèo hèn, có sự khác biệt nào chăng, hay là không khác biệt?

Thần thức khi ấy có biết mình đầu thai vào nhà giàu sang, vào nhà bần tiện, hay là hoàn toàn không biết gì?

Đáp: Khác biệt thì có, nhưng thần thức thật không biết được sự khác biệt ấy. Luận Du Già nói rằng: Người có ít phước đức ắt phải sinh vào nhà nghèo hèn. Người ấy vào lúc chết cũng như lúc nhập thai tái sinh đều nghe thấy đủ loại âm thanh rối loạn, hoặc thấy mình đi vào trong khu rừng trúc um tùm.

Nếu là người phước đức sâu dày, sinh vào nhà giàu sang cao quý, thì lúc ấy cảm thấy tinh thần tỉnh táo sảng khoái, nhìn thấy những thứ xinh đẹp thích thú, hoặc nghe những âm thanh hay lạ êm dịu, hoặc thấy mình đi lên cung điện nguy nga.

Hỏi: thân trung ấm vào lúc nhập thai, nếu là con trai thì sinh tâm ái luyến với mẹ, sân hận với cha, nếu là con gái thì sinh tâm ái luyến với cha, sân hận với mẹ.

Nói như vậy cũng là hợp lý, nhưng không biết là căn cứ vào đâu mà biết?

Đáp: Căn cứ vào hình thể hướng về của thai nhi mà biết. Thai nhi là con trai thì hướng về mẹ mà nghịch với cha, thai nhi là con gái thì hướng về cha mà nghịch với mẹ.

Tâm ý đã có sự khác nhau như thế thì thân thể cũng tùy theo. Như trong Kinh Xử Thai nói rằng: Nếu là con trai, thai nhi ở trong bụng mẹ sẽ nằm về phía sườn bên phải, hai tay che mặt, mặt quay về phía lưng mẹ. Nếu là con gái, thai nhi ở trong bụng mẹ sẽ nằm về phía sườn bên trái, hai tay che mặt, mặt hướng ra phía trước bụng mẹ.

Hỏi: Đôi bên Nam nữ hòa hợp, phải có thần thức tìm đến thì mới thụ thai. Nhưng có nhiều trường hợp khi sản phụ lâm bồn lại nhìn thấy có người đi vào phòng mình, về sau hỏi lại quả đúng là người ấy đã chết vào giờ khắc người mẹ sinh con ra.

Nhưng thai kỳ kéo dài mười tháng, thì trước đó vào lúc thụ thai người kia vẫn còn sống trên dương thế, vậy lúc cha mẹ gần gũi nhau, làm sao thần thức người ấy đã có thể đến nhập thai?

Nhưng nếu không có thân trung ấm của người ấy, thì làm sao có thể thụ thai?

Bằng như đã có thân trung ấm, thì thân trung ấm ấy chính là của người nhập thai, làm sao có thể đến lúc sinh nở lại nhìn thấy người ấy đi vào phòng được?

Đáp: Xây dựng nhà cửa, ngục thất, đâu cần phải tự mình theo dõi giám sát công trình?

Quy mô chế độ đã định ra, ắt cứ y theo đó mà hình thành, nhà cửa ngục thất đã thành, người giám công ắt sẽ bỏ đi, hình tướng thai nhi đã thành, thần thức mới đến. Tuổi thọ người kia tuy chưa hết nhưng chỗ tái sinh đã định sẵn rồi, tự nhiên chiêu cảm kẻ có nợ đời trước phải đến thay mình mà thụ thai.

Hỏi: Theo sự truyền tụng của người đời thì việc đầu thai xảy ra ngay vào lúc người mẹ sinh con, nhưng theo Kinh Điển ghi chép thì việc đầu thai đã xảy ra mười tháng trước đó, tức là vào lúc cha mẹ hòa hợp.

Vì sao lại có nhiều thuyết khác nhau như vậy?

Đáp: Đầu thai ngay vào lúc người mẹ sinh con, trong ngàn vạn trường hợp chỉ có một mà thôi, nếu không phải là người có phước đức rất lớn, không phải chịu nỗi khổ ở trong bào thai.

Trong trường hợp này, lúc người mẹ mang thai thì tuổi thọ của người ấy vẫn còn chưa dứt, cho đến khi người mẹ sinh nở thì người ấy sẽ lâm chung ở một nơi nào đó và thác sinh vào nhà cha mẹ ở một nơi khác.

Sự việc như thế đôi khi vẫn có thể xảy ra. Ví như quan chức tước vị, nếu dựa vào tài năng tư cách mà dần dần thăng tiến là việc thông thường, nhưng được cất nhắc bổ dụng không theo thứ lớp thì đó là quyền biến.

Hỏi: Các trường hợp sinh đôi, khi nhập thai mẹ tất nhiên phải có đủ hai thân trung ấm.

Như vậy thì họ cùng lúc nhập thai hay có trước sau?

Đáp: Có khi là cùng lúc, cũng có khi là trước sau. Nếu cùng lúc nhập thai thì người sinh ra trước là anh hoặc chị, người sinh ra sau là em. Nếu nhập thai không cùng lúc thì người sinh ra trước là em, người sinh ra sau là anh hoặc chị. Cũng giống như ta cho hạt hồ đào vào ống trúc, hạt cho vào sau ắt sẽ được lấy ra trước.

Hỏi: Cùng một việc thụ thai như nhau, nhưng khi sinh ra con cái lại có người xinh đẹp đoan trang, có kẻ khiếm khuyết hư hỏng, trong số đó lại có kẻ đen người trắng, chẳng ai giống ai, vì sao như vậy?

Đáp: Một phần là liên quan đến nghiệp đời trước của đứa con, một phần là do người mẹ hiện nay. Nếu là người đời trước nhu hòa Nhẫn Nhục, thường tạo tranh tượng Chư Phật, Bồ tát, gần gũi cúng dường các vị Sa môn, thì đời nay tự nhiên sẽ được hình tướng tốt đẹp trang nghiêm.

Nếu là người đời trước ngăn che Phật Pháp, trộm cắp của Tam Bảo, sân hận tranh giành, hoặc xúi giục, thay người kiện tụng, hoặc chê bai giễu cợt những người có hình dung xấu xí, thì đời nay tự nhiên phải chịu thân hình xấu xí khó coi.

Người mẹ trong lúc mang thai nếu thường gần gũi những nơi tối tăm u ám, thì đứa con cũng chịu ảnh hưởng đen tối. Nếu thường ở những nơi mát mẻ thoáng đãng, thì đứa con cũng chịu ảnh hưởng được trắng trẻo xinh đẹp. Nếu người mẹ thường ăn các món mắm muối nguội lạnh, đứa con sẽ bị lông tóc thưa thớt.

Nếu người mẹ thường làm chuyện dâm dục, đứa con sẽ dễ bị ghẻ lở, ung nhọt. Nếu người mẹ thường đi lại nhảy nhót hoặc mang vác nặng nề, đứa con có thể sẽ bị khuyết tật chân tay.

Hỏi: Người đời thường nói thân thể này là của cha mẹ ban cho.

Xin hỏi, những phần nào là của cha, những phần nào là của mẹ?

Đáp: Hết thảy những phần cứng chắc như xương cốt, răng, móng, tủy, não, gân mạch... đều là thuộc về cha. Hết thảy những phần mềm mại như gò má, con mắt, lưỡi, cổ họng, cho đến tim, gan, thận, lá lách... đều là thuộc về mẹ.

***