Phaùt boà ñeà taâm
Nhaát höôùng chuyeân nieäm

adida.edu.vn

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TĂNG QUẢNG CHÁNH BIÊN - TẬP BA TRĂM - PHỔ KHUYẾN KIÊNG GIẾT ĂN CHAY ĐỂ VÃN HỒI KIẾP VẬN

ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO

TĂNG QUẢNG CHÁNH BIÊN

Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang
 

TẬP BA TRĂM

PHỔ KHUYẾN KIÊNG GIẾT

ĂN CHAY ĐỂ VÃN HỒI KIẾP VẬN
 

Thế nhân quen thói tàn nhẫn lắm thay. Chuyện gì cũng lấy sát sanh để thành lễ, chẳng biết như vậy là sai. Hết thảy chúng sanh cùng ta sống trong vòng Trời đất, đồng có cái thân huyết nhục, đồng bẩm thụ tánh tri giác, cùng biết tìm lành tránh dữ, tham sống sợ chết.

Huống chi Kinh Phật thường nói: Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh, đều kham làm Phật, đều trong vô lượng kiếp đến nay, đây kia làm cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc của nhau. 

Há có nên vì muốn báo ân, báo đức, cầu phước, cầu thọ, hoặc tế lễ Thiên Địa, thần Thánh, và cúng giỗ Tổ Tông, họ hàng, hoặc phụng dưỡng cha mẹ, hoặc đãi đằng bè bạn, hoặc vì sướng khoái bụng miệng ta, bồi bổ thân thể ta, mà chuyện gì cũng đều giết các sanh mạng để mong bày tỏ tấc lòng thành của ta, thỏa thích tâm ta, chẳng nghĩ đến chúng nó bị các nỗi khổ cùng cực, chẳng đoái nghĩ đại ân thân thuộc đời trước vậy.

Vả nữa, Thiên Địa lấy hiếu sanh làm đức, Nho Gia vâng giữ ý niệm cùng là ruột thịt, vật giống hệt như ta, sao chẳng sanh tâm trắc ẩn nhân từ yêu vật mà cứ quen thói bạo hành mạnh ăn thịt yếu?

Phải yêu thương loài vật thì mới có thể thương dân được, hễ thương dân ắt phải yêu thương loài vật. Nếu đối với dị loại còn chẳng nỡ giết thì chắc chắn chẳng nỡ giết hại người dân là đồng loại của ta. Nếu coi giết hại loài vật là chuyện bình thường, ắt sẽ giết người ngập thành ngập đồng chẳng những không thương xót, ngược lại còn coi đó là sung sướng, khoái trá. Ấy là vì hễ thói giết chóc vừa tăng trưởng thì cái tâm nhân từ bị mất ngay.

Còn như tế lễ Thiên Địa, Thánh Nhân, há chẳng thể dùng nếp, gạo thơm, rau, quả để tỏ lòng thành, cần gì cứ phải sát hại mạng loài vật?

Chúng ta sống trong vòng Trời đất, được Trời đất che chở thì phải nên tích đức, làm điều nhân để bổ khuyết quyền dưỡng dục của Trời đất.

Nếu luận về chuyện báo ân, dù có tan xương nát thân cũng khó thể báo đáp được muôn một, há những loại thịt trâu, dê, lợn… tanh tưởi, hôi dơ có thể dùng để báo ân được ư?

Huống chi Thiên Đế và người Cõi Trời thanh tịnh, thơm tho, thanh khiết há lẽ nào còn hâm hưởng những mùi vị ô trược, hôi nhơ ấy chăng?

Ấy chính là dùng cái tâm tham lam cốt thỏa bụng miệng của chính mình để suy lường tâm Trời đất. Lại xem Trời đất như những quỷ thần ở trên không, dưới nước thì vu báng, miệt thị, khinh nhờn, ô nhục Thiên Địa quá đáng.

Ngay như hai kỳ tế lễ Xuân Thu ở Thánh miếu văn võ, các tỉnh, phủ, châu, huyện đều giết trâu, dê, lợn v.v… để cúng tế, coi đó là báo ân đáp đức, sùng Thánh trọng đạo.

Quang Tự nguyên niên một ngàn tám trăm bảy năm đời Thanh, tại Văn Miếu thuộc tỉnh thành Thiểm Tây, một ngày trước bữa tế mùa Thu, tôi đến đó lễ yết. Trong điện Đại Thành, những con trâu, dê, lợn v.v… đều bày trên giá, để nguyên con, chỉ mổ bỏ ruột gan mà thôi. Mùi tanh hôi, tình trạng thê thảm gai mắt nhức mũi, chẳng nỡ thấy nghe.

Khi ấy, tôi vừa mới theo đòi học vấn, vẫn còn bắt chước Hàn, Âu báng Phật, mà đã khôn ngăn than thở sườn sượt: Có nên rốt cục biến lòng kính trọng Thánh Nhân rốt cuộc thành sự khinh nhờn Thánh Nhân đến mức độ cùng cực như thế này chăng?

Cứ thử bảo những người tế lễ ấy ngủ lại qua đêm trong điện để họ nhìn cho quen mắt, mũi ngửi cho quen mùi, ắt họ sẽ cật lực cự tuyệt chẳng chịu ở.

Huống gì là bậc Đại Thánh Nhân Tổ Thuật Nghiêu Thuấn, Hiến Chương Văn Vũ, Vạn Thế Sư Biểu trăm đời của Nho Gia lại cam lòng hâm hưởng những vật ô uế chẳng thể kham nổi ấy ư?

Lại như ở phía Đông ngoài cửa miếu là chỗ để giết trâu, tôi trông thấy một cái nồi lớn, nước chứa trong ấy ô trược chẳng thể kham nổi vì nó là nước để rửa trâu. Nghĩ đến liền muốn phát ói. 

Than ôi! Bẩn thỉu đến thế mà dùng làm lễ để kính Thánh Nhân được ư?

Nếp, tẻ không thơm tho, do minh đức bèn thành thơm tho, sao không dùng nếp, gạo thơm, rau, quả để tỏ lòng chí thành?

Hơn hai ngàn huyện trong thiên hạ, mỗi năm hai lần khinh nhờn Văn Võ nhị Thánh, khiến cho mấy vạn sanh linh đều lâm vào tử địa, thật là khinh Thánh giết vật quá lớn.

Sao không có bậc đại nhân tôn kính Thánh Nhân, yêu tiếc sanh mạng loài vật ra mặt thay đổi vĩnh viễn lệ cũ, lập ra cách thức mới, khiến cho oai linh của hai vị Thánh chẳng bị những thứ đó xông sực ô uế, mấy vạn sanh mạng chẳng bị làm thịt để làm thức ăn cho những người tế lễ?

Thánh Nhân ôm lòng thương dân yêu vật, nào muốn chính mình bị ô uế, khinh miệt, lại còn làm cho mấy vạn sanh linh cùng lâm vào tử địa ư?

Quan Đế lúc còn sống thì tinh trung lòa nhật nguyệt, hạo khí ngút Trời đất, phú quý chẳng dâm, nghèo hèn chẳng thay đổi, oai vũ chẳng khuất phục được, mất đi làm thần cai quản núi Ngọc Tuyền.

Thời Tùy Văn Đế, Trí Giả Đại Sư đến Ngọc Tuyền, Quan Đế bèn vận dụng thần lực xây dựng Chùa Miếu, lại cầu được truyền giới để làm cái gốc cho đạo Bồ Đề, và phát nguyện ủng hộ Phật Pháp xem Quan Đế Toàn Thư và Ngọc Tuyền Tự Chí. Vì thế, các tùng lâm trong thiên hạ đều gọi Ngài là Già Lam Bồ Tát, cùng với Vi Đà Bồ Tát trấn giữ sơn môn.

Hơn một ngàn năm qua, hộ quốc, hộ dân, được tôn lên địa vị Đế Vương, há cam lòng nhận lãnh những con trâu, dê, lợn v.v… còn sống ô uế chẳng kham nổi, cho chúng nó là những thứ ngon lành để hâm hưởng ư?

Dẫu là bọn tham ăn hèn tệ cùng cực trong thế gian cũng chẳng đành lòng ngửi những thứ hôi nhơ ấy, mà lại bảo là Quan Đế ưng chịu ư?

Sao lại coi hai vị Thánh Nhân văn võ hèn tệ cùng cực đến như thế ấy?

Ô hô, buồn thay! Nếu như có bậc đại nhân hiểu rõ lý lẽ, thực hành lòng kính thật sự dấy lên sửa bỏ thói quen hèn hạ khinh Thánh hại vật ấy, tôi sẽ thơm thảo đảnh lễ, chúc tụng khôn ngằn.

Còn như cúng bái Tổ Tông cố nhiên nên dùng nếp, gạo thơm, rau, quả để tỏ lòng kính, cần gì phải giết chóc hoặc mua từ hàng đồ tể?

Cổ Nhân cúng Tổ Tiên còn cầu thóc lúa từ nơi người nhân, nay vì trọn hết lòng thành tưởng nhớ người trước mà khiến cho những loài vật kia đều chịu nỗi thảm bị giết hại cắt xẻ, chẳng những đánh mất lòng nhân trắc ẩn của chính ta mà còn đánh mất sâu xa đạo tôn kính Tổ Tiên. Lấy giết chóc để tỏ lòng kính, ấy là đại nghịch.

Huống chi Tổ Tông chẳng phải là Bậc Thánh Nhân đã đoạn hoặc chứng chân, ắt phải luân hồi trong lục đạo tam đồ, chẳng vì họ làm phước để họ được siêu thăng thì là đã đánh mất đạo của người đời sau, há có nên mặc tình sát sanh gây nên chuyện đã té giếng còn bị quăng đá nữa ư?

Còn như phụng dưỡng cha mẹ, thức ăn rau quả há chẳng đủ vị ngọt bùi mà cần phải ăn thịt, hãm cha mẹ vào cảnh đời đời kiếp kiếp bị giết để đền trả mối nợ oan uổng vì được ta hiếu dưỡng hay chăng?

Nếu chẳng biết sự lý tam thế nhân quả, luân hồi lục đạo thì còn dung thứ được.

Nay đã hiểu rõ chuyện người và súc sanh tuần hoàn, báo ứng, những chuyện ấy được thấy thấu triệt trong hai mươi bốn bộ sử và các sách vở, mà vẫn cố chấp thói quen hèn tệ chẳng chịu sửa đổi, cứ mong cho chính mình và cha mẹ cùng chịu báo này, kẻ như vậy chẳng phải là mất trí cuồng tâm, đem phê sương, trầm độc dâng cho cha mẹ mà mong được trường thọ, yên vui ư?

Đáng buồn thay. Những sự tích nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo trong sử chép rất nhiều. Muốn biết đại khái thì hãy xem sáu câu vấn đáp về vấn đề thân diệt, tinh thần vẫn còn trong ba trang từ bốn mươi ba đến bốn mươi lăm của bộ Dục Hải Hồi Cuồng sẽ biết đại lược.

Lại nữa, Phật, Bồ Tát muốn làm cho con người kiêng giết, phóng sanh nên dùng lòng đại từ bi, thị hiện thân trong dị loại, giết rồi mới biết là ThánhNhân thị hiện, khiến cho con người chẳng dám giết các loài vật để ăn ngõ hầu đây kia cùng được giải thoát.

Chuyện như vậy rất nhiều, chẳng thể ghi trọn, nên xem trang ba mươi vật loại hiện tướng hiện thân trong loài vật trong quyển một của bộ Quán Thế Âm Bồ Tát Bổn Tích Cảm Ứng Tụng sẽ biết đại khái. Nguyện những người xem đến đều sanh chánh tín.

Nói đến chuyện đãi đằng bạn bè, vốn nhằm để thỏa lòng, phô bày tình cảm, sao lại dùng chuyện sát sanh thê thảm để giúp cho bữa tiệc thanh khiết ấy?

Loài vật cùng với ta và bạn ta chẳng hề có nỗi oán giết cha, sao lại xẻ thịt chúng bày thành tiệc để giúp cho khách khứa vui sướng?

Cứ thử nghĩ đến tiền nhân hậu quả thì dù có ăn cũng chẳng thể nuốt trôi được. Người đời cưới vợ sanh con vốn để tiếp nối dòng giống, đó là chuyện tốt lành nhất, nếu như ăn thịt thì không còn gì hung hiểm hơn được.

Ta muốn cho vợ chồng giai lão, con cháu đầy đàn mà làm cho những con vật kia chịu nỗi bi thương lìa bầy, hoặc bị nỗi thảm dao xẻ. Đêm thanh suy nghĩ, yên lòng được chăng?

Lại người ta cứ mỗi khi gặp dịp vui như chúc thọ, cưới vợ, sanh con v.v… nếu vô ý nói đến những chữ Chết, Tang v.v… chủ nhân không vui, nếu có chuyện như làm vỡ đồ đạc chẳng hạn liền cho là bất tường.

Cớ sao giết các sanh mạng, cắt, chặt, nấu, nướng, cho đến xé ăn, lại ngược ngạo coi là vui, là lễ, là tốt lành, may mắn?

Thật ra, ấy là cái tâm gì vậy?

Chính là làm theo thói quen không suy nghĩ đó thôi. Nếu nói đến chuyện để tự cung phụng mình thì lại càng không nên giết.

Nên nghĩ rằng: Ta sanh trong thế gian có công đức gì đối với nhân dân, có phước trạch gì đối với Tổ Tông, cha mẹ, nay được nhờ phước ấm của Tổ Tông, cha mẹ che chở sâu dầy, chẳng cực lực làm lành để tăng thêm phước cho Tổ Tông, cha mẹ, lại cứ mặc tình sát sanh ăn thịt, chẳng những bất lợi cho mình, mà còn gây liên lụy cho Tổ Tông, cha mẹ.

Huống chi ta bẩm thụ di thể từ cha mẹ, hằng ngày dùng loài vật để bồi bổ, lâu ngày khí chất sẽ biến đổi theo, thật đáng sợ. Nay tôi nêu chứng cứ đại lược ngõ hầu người biết yêu thương chính mình sẽ tận lực dứt bỏ thói tham ăn ngon ấy.

Sách Vạn Thiện Tiên Tư chép: Đàn bà có thai ăn thịt thỏ thì con bị môi sứt, ăn thịt sẻ thì mắt lé, ăn cua thì phần nhiều con bị đẻ ngang, ăn ba ba thì cổ ngắn đầu teo, ăn cá chình, lươn thì phần nhiều khó sanh, ăn thịt ếch thì phần nhiều con bị câm ngọng.

Sách Đại Đới Lễ chép: Ăn thịt thì dũng cảm nhưng hung hãn, ăn ngũ cốc thì trí huệ, nhưng khéo léo. Đều là khí chất bị chuyển biến theo khí chất của từng loài, từng vật vậy. Khí chất do cha mẹ để lại cho ta vì ăn thịt mà dần dần bị biến đổi ngấm ngầm thành khí chất của loài vật, đấy là đại bất hiếu.

Từng thấy người ta chữa trị kẻ cứa cổ nhưng chưa đứt khí quản bằng cách cắt thịt chim hay thịt gà sống đắp vào chỗ bị thương, khi lành rồi chỗ ấy bèn mọc lên lông gà. Tuy đắp ở bên ngoài nhưng chỗ ấy vẫn là thể chất của súc vật.

Như vậy suốt cả đời ăn thịt để bồi đắp bên trong há chẳng đáng kinh sợ hoảng hốt ư?

Như vậy là gìn giữ di thể được bẩm thụ từ cha mẹ đó sao?

Huống chi chất thịt đều chứa chất độc, do lúc bị giết hận tâm kết lại cho nên người ăn thịt phần nhiều hay sanh ghẻ chốc, khi ôn dịch lưu hành hay mắc bịnh truyền nhiễm. Người ăn chay thường ít mắc phải những chứng ấy. Phàm muốn giải thoát oán nghiệp, giữ gìn thân thể thì không thể không biết chuyện này. Nếu nói tam sanh ngũ đỉnh, nhờ vào loài vật để tỏ lòng thành.

Nếu như ông vừa nói thì pháp do cổ Thánh Hiền đã lập đều sai trái hết hay sao?

Đáp: Thánh Hiền thuận theo thói tục mà lập pháp, lúc đầu chẳng phải là thật nghĩa rốt ráo. Nay đã biết chuyện luân hồi của người và súc sanh thì cố nhiên phải bỏ quyền theo thật, há nên chấp quyền bỏ thật, tổn thương đức hiếu sanh của Trời đất, chôn vùi lòng nhân bất nhẫn của chính mình.

Huống chi nhờ vào vật để tỏ lòng thành thì sao không mượn nếp, gạo thơm, rau, quả mà cứ phải dùng những vật máu thịt ô uế?

Há chẳng phải là nói Trời, đất, Đức Khổng, Đức Quan thích vật nhơ uế, ghét những món thanh khiết ư?

Không có gì khác ngoài quen thói chẳng biết là sai đó thôi. Đến như việc cúng tổ, phụng dưỡng cha mẹ, đãi khách, tự dùng, hễ nhìn lại sẽ biết rõ là sai, đều thay đổi thói cũ, nên chẳng nói rõ.

Nếu như lại nói: Nếu như ông nói thì hoàn toàn chẳng sát sanh ăn thịt, ắt loài vật sẽ đầy dẫy trọn khắp Thế Giới, biết làm sao đây?

Đáp: Những thứ con người ăn đều là do con người làm cho nó sanh sôi nẩy nở. Những loài lợn, dê, gà, vịt kia nếu như nhốt riêng các loài đực cái, trống mái thì chưa quá mười năm, chúng nó sẽ vĩnh viễn không tồn tại nữa.

Huống chi những giống cọp, báo, chó sói, rắn, rết, con người đều chẳng ăn sao từ cổ đến nay chúng chẳng đầy khắp Thế giới vậy?

Phải biết: Nếu người ăn thịt nhiều thì người ta lập ra cách để những giống lợn, dê, gà, vịt v.v… sanh trưởng cho nhiều, thật ra quá nửa đều là vì bụng miệng tham muốn, chẳng tiếc mạng loài vật, phải theo nghiệp thọ báo, thác sanh trong những loài vật ấy để bị người ta giết ăn.

Do vậy, Kinh Lăng Nghiêm nói: Tham lẫn ái cùng nẩy nở. Do tham chẳng thể ngưng dứt nên các loài noãn, thai, thấp, hóa trong thế gian cậy mạnh hiếp yếu, ăn nuốt lẫn nhau. Người ăn dê, dê chết thành người, người chết thành dê, như thế cho đến mười thứ sanh loại, chết chết sống sống ăn nuốt lẫn nhau.

Kinh Phạm Võng dạy: Nếu là đệ tử Phật thì do từ tâm bèn hành nghiệp phóng sanh, hết thảy người nam đều là cha, hết thảy người nữ đều là mẹ ta. Đời đời ta chẳng bao giờ không sanh ra từ họ. Vì thế lục đạo chúng sanh đều là cha mẹ ta, giết để ăn thịt chính là giết cha mẹ.

Kinh Lăng Già dạy: Hết thảy chúng sanh từ vô thủy đến nay luân hồi chẳng ngơi trong sanh tử, không ai chẳng từng làm cha mẹ, anh em, con cái, quyến thuộc cho đến bạn bè, người thân yêu, kẻ hầu hạ, sang đời khác mang thân chim, thú v.v…

Sao lại bắt lấy chúng để ăn thịt?

Trong các Kinh đại thừa, những câu nói như vậy nhiều lắm, khó thể trích đủ. Quán lời Phật dạy, có thể biết rằng cái họa sát sanh ăn thịt rất sâu, con người và súc vật tuần hoàn, giết ăn lẫn nhau. Nếu vẫn chấp mê chẳng ngộ thì trở thành kẻ đáng thương xót như Đức Như Lai đã gọi. Phải biết kiếp đao binh đều do sát sanh phát khởi.

Một ngày trong thế gian chẳng biết giết mấy vạn vạn triệu. Do ác tâm sát sanh ăn thịt và tâm oán hận của những con vật bị giết kết thành kiếp đao binh. Mười mấy năm qua, trong nước ngoài nước chiến tranh, người bị tử vong số đến vạn vạn. Huống hồ thiên tai liên tiếp giáng xuống, lụt lội, hạn hán, ôn dịch, bão lốc, động đất, biển trào, sông tràn, thổ phỉ, đạo tặc, các thứ tai nạn xảy ra dồn dập, thóc gạo đắt đỏ, dân không lẽ sống.

Bọn ta gặp phải thời đại này mà vẫn chẳng phát lòng tự thương xót, tâm tự thương mình xót người để mong vãn hồi kiếp vận thì còn quý báu gì để dự vào trong số mục tam tài, là vạn vật chi linh nữa ư?

Nỡ dùng tâm tánh sẵn đủ Nghiêu Thuấn, có thể thành Phật để trầm luân bao kiếp dài lâu trong biển nghiệp ăn giết lẫn nhau không thể thoát ra được thì chẳng đáng buồn ư?

***